Chùa Ông – 5 phút
Chùa Ông Hội An hay còn được gọi là Quan Công miếu, được xây dựng vào năm 1653 là thời kỳ buôn bán phát đạt nhất của thương cảng Hội An.
Những năm của thế kỷ XVII, Hội An là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của các thuyền buôn đến từ những quốc gia khác nhau trên thế giới. Có rất nhiều thương nhân người Hoa đến đây buôn bán và chọn Hội An làm quê hương thứ hai của mình. Vì vậy, họ đã xây dựng các đền thờ, chùa, miếu… phục vụ đời sống tâm linh, và chùa Ông chính là một trong số đó.
Chùa thờ vị tướng tài ba thời Tam Quốc là Quan Vân Trường (Quan Vũ), ông là hình mẫu và biểu tượng cho triết lý sống cao cả của con người thời bấy giờ là: Nghĩa – Trung – Tín – Dũng. Vì vậy, việc thờ phụng Quan Công nhằm kính ngưỡng, ca tụng lòng nghĩa khí và tiết trung liệt, để người đời noi gương sáng.
Chùa đã được trùng tu 6 lần vào các năm: 1753, 1783, 1827, 1864, 1904 và 1966 và được cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia vào ngày 29 tháng 11 năm 1991. Tuy các đường nét có thể bị mờ nhạt đi một chút theo năm tháng, xong tổng thể nhìn vẫn rất đặc sắc.
Mỗi năm, chùa Ông đều tổ chức nhiều lễ hội đặc sắc, đặc biệt là lễ hội mùa xuân. Cứ đến đầu năm, người dân địa phương và du khách các tỉnh thành lân cận đến đây để du xuân, cầu bình an, may mắn trong cuộc sống. Nhất là cầu việc buôn bán, làm ăn được thuận lợi. Du khách có thể viết những mong ước của mình vào mẫu giấy nhỏ rồi treo vào những vòng hương tròn ở tiền sảnh.
Ngoài ra du khách có thể tham gia lễ hội vía Ông diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng. Hay lễ Vía Quan Hiển Thành vào ngày 24/6 Âm lịch. Đây đều là những sự kiện lớn với nhiều hoạt động đặc sắc.
Nét kiến trúc độc đáo của chùa Ông Hội An
Chùa Ông Hội An là công trình mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Trung Hoa cổ điển. Tổng thể chùa gồm 4 tòa nhà: tiền đình, chính điện và 2 tả hữu. Bốn tòa nhà chính của ngôi chùa này được xây cất theo kiểu chữ Khẩu của người Trung. Các mái nhà được lợp theo kiểu mái ống có tráng men màu.
Điểm gây tượng với du khách chính là khu vực chính điện. Ở đây đặt pho tượng Quan Vân Trường uy nghi, nét mặt oai nghiêm, đôi mắt sắc sảo. Ông khoác trên mình một thanh bào thêu rồng nối kim tuyến. Bên cạnh tượng Quan Vân Trường là 2 pho tượng Châu Thương và Quan Bình. Đây đều là những người trung thành với ông.
Hai bên tả, hữu trong chùa mỗi bên để một con ngựa. Bên tả là con bạch mã, bên hữu là con ngựa xích thố màu đen yêu thích của Quan Vân Trường được Tào Tháo ban cho.
Đặc biệt, chùa còn lưu giữ bài thơ đề vịnh của Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm (thân phụ của Nguyễn Du) và 2 bài họa của Uông Sĩ Cư và Nguyễn Lệnh Tân. Đây là những di tích lịch sử từ thế kỷ XVIII trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh còn lại tới ngày nay.
Dưới đây là một số lưu ý bạn cần biết khi tham quan chùa Ông Hội An:
- Bạn nên lựa chọn trang phục lịch sự khi tham quan chùa Ông bởi đây là một địa điểm linh thiêng.
- Không nên chạm vào các hiện vật có trong chùa, tránh gây hư hỏng.
- Khi vào chùa không nên nói to, gây ồn ào.
- Chùa Ông là một điểm du lịch nổi tiếng và thường có nhiều du khách ghé tới viếng thăm. Vì vậy, bạn cũng nên lưu ý đồ dùng của mình, tránh trường hợp gặp kẻ gian.
Ngày nay, ngôi chùa đã trở thành một trong những điểm đến được nhiều người yêu thích khi đi du lịch Hội An.
Thông tin tham quan
Địa chỉ: 24 Trần Phú, Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam
Thời gian mở cửa: Từ 6:00 đến 17:00 mỗi ngày
Chia sẻ trên: